NGHI THỨC TRÊN THẢM TẬP
THẢM TẬP (TATAMI) LÀ NƠI TẬP LUYỆN VÕ THUẬT.
ĐÂY LÀ NƠI TÔN NGHIÊM ĐỐI VỚI THÀNH VIÊN CLB AIKIDŌ
CŨNG NHƯ TẤT CẢ KHÁCH ĐẾN TÌM HIỂU VÀ THAM QUAN. A. NGHI THỨC CHUẨN BỊ
1. Khi bước vào Võ đường (tại nhà thể thao Trường Đại học Ngoại thương), cúi chào hướng về khu Kamiza, nơi đặt chân dung Sư tổ.
2. Võ sinh hạn chế đi chân trần ngoài thảm tập.
3. Thực hiện nghi thức quỳ chào hướng về khu Kamiza mỗi khi vào thảm tập. Ngồi ở sát mép thảm.
4. Nếu đến muộn và lớp học đã bắt đầu, võ sinh thực hiện nghi thức quỳ chào (seiza) hướng về khu Kamiza, và chào Thày hướng dẫn. Hạn chế tham gia lớp học khi buổi tập đã bắt đầu. B. NGHI THỨC TRONG BUỔI TẬP
5. Võ sinh ngồi thẳng hàng ngang và dọc trên thảm tập.
6. Thày (Sensei) hô “Mokuso” hoặc “Reido”, võ sinh cần cắt bỏ tất cả suy nghĩ về những vấn đề bên ngoài thảm tập, tập trung thở sâu ở đan điền.
7. Thày cùng cả lớp thực hiện nghi thức quỳ chào hướng về khu Kamiza. Sau đó, Thày hướng về phía cả lớp và cùng cả lớp thực hiện nghi thức quỳ chào. Võ sinh sẽ nói “Onegai shimasu”, có nghĩa là “ Xin hãy dạy trò”.
8. Thày hướng dẫn võ sinh thực hiện bài tập khởi động, võ sinh phải thực hiện đúng những gì được hướng dẫn. Không làm theo ý riêng.
9. Thày sẽ mời một hay nhiều võ sinh cùng thực hiện kỹ thuật, khi được yêu cầu, võ sinh sẽ cúi chào, sau đó đi quỳ (seiza) về phía Thày. Khi Thày đang thực hiện kỹ thuật, võ sinh cần ngồi ở tư thế quỳ gối (seiza), lưng thẳng và tập trung quan sát. Võ sinh không được nói chuyện hoặc cười đùa.
10. Sau khi thực hiện mỗi kỹ thuật, Thày sẽ nhắc lại tên kỹ thuật và thực hiện nghi thức quỳ chào. Võ sinh cùng thực hiện nghi thức này và nói “Onegai shimasu”
11. Khi võ sinh không thể tiếp tục ngồi quỳ vì lý do nào đó, võ sinh có thể ngồi khoanh tròn chân sau thực hiện nghi thức chào hướng về khu Kamiza.
12. Võ sinh thực hiện các kỹ thuật theo từng cặp hoặc từng nhóm theo hướng dẫn của Thày. Võ sinh cũ cần giúp đỡ hướng dẫn võ sinh mới. Bắt đầu tập với nghi thức đứng chào hoặc quỳ chào (seiza). Chỉ thực hiện các kỹ thuật đã được hướng dẫn, tập nhẹ nhàng để không làm đau bạn tập. Cần chú ý tránh va chạm trên thảm tập.
13. Khi cần sự giúp đỡ của Thày, võ sinh cần tiến đến trước Thày, cúi chào và xin được giúp đỡ khi Thày không bận. Không gọi vọng từ xa.
14. Khi võ sinh rời thảm tập vì lý do nào đó, thực hiện những nghi thức như khi bước vào thảm tập.
15. Trong khi luyện tập, nếu võ sinh muốn không tập hoặc ngừng tập, võ sinh cần ngồi quỳ (seiza) ở mép thảm và quan sát lớp tập. Không nằm, nói chuyện, cười đùa hoặc ra khỏi thảm. C. NGHI THỨC CUỐI BUỔI TẬP
16. Võ sinh ngồi như khi bắt đầu buổi tập, thực hiện các kỹ thuật thư giãn do Thày hướng dẫn.
17. Thày dẫn cả lớp thực hiện nghi thức cúi chào hướng về khu Kamiza, và chào cả lớp, võ sinh chào và nói “Domo Arigato Gozaimashita” để thể hiện lòng biết ơn đối với Thày. D. NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý
18. Hoàn thành nghĩa vụ phí thành viên của mỗi khoá học càng sớm càng tốt.
18.1. Mỗi khóa học bao gồm 3 tháng, một năm tương ứng với 4 khóa học.
18.2. Khi vào võ đường, võ sinh phải nộp lại thẻ thành viên hợp lệ để được vào tập.
18.3. Võ sinh có trách nhiệm nhận lại thẻ thành viên sau mỗi buổi tập.
19. Đối với các võ sinh đã là thành viên Câu lạc bộ Aikidō Yūki Shūdōkan, khi đến võ đường tập luyện, bắt buộc phải có logo Câu lạc bộ Aikidō Yūki Shūdōkan trên võ phục. Các trường hợp vi phạm sẽ bị mời ra khỏi thảm tập.
20. Ở Võ đường Yūki, võ sinh chịu trách nhiệm chuẩn bị và cất dọn thảm tập.
21. Cần giữ gìn tài sản của Câu lạc bộ Aikidō Yūki Shūdōkan.
22. Giữ võ phục sạch sẽ.
23. Cắt ngắn móng chân móng tay, và không đeo đồ trang sức trong giờ tập.
24. Võ sinh luôn chào nhau và chào những Thày hướng dẫn có mặt trong Võ đường (nhà thể thao).
25. Võ sinh tập trước cần quan tâm giúp đỡ võ sinh mới tập.
26. Tận dụng tối đa thời gian tập luyện, không tập những kỹ thuật không được hướng dẫn.
27. Không cần thực hiện các kỹ thuật với tốc độ nhanh mà tập vừa phải để hiểu hết mọi chi tiết của các kỹ thuật. Thực hiện kỹ thuật nhẹ nhàng và không mang tính triệt hạ đối phương, nhưng vận dụng khí theo tôn chỉ của môn võ Aikidō.
28. Aikidō là môn võ không có điểm kết thúc, võ sinh phải luôn luôn có ý thức học hỏi từ những võ sinh khác, bao gồm cả võ sinh mới tập, điều này sẽ tạo cho võ sinh đức tinh khiêm nhường và kiên nhẫn.
29. Không so sánh các môn võ khác với Aikidō.
30. Luôn luôn tôn trọng những Thày hướng dẫn. Không chỉ trích hay bình luận những kỹ thuật được học.
31. Việc tập luyện chỉ dành cho những thành viên của Câu Lạc Bộ. Tuy nhiên, rất hoan nghênh mọi người tới tham quan, tìm hiểu. Người tới tham quan nếu muốn tham gia tập luyện phải thông qua Thày hướng dẫn hoặc người quản lý lớp trước khi vào tập.
Những quy định này cần được võ sinh tuân thủ khi tới bất kỳ một võ đường Aikidō nào khác ở Việt Nam hoặc ở bất kỳ quốc gia nào. Nếu bạn không phải là thành viên của võ đường Aikidō đó, cần phải có sự đồng ý trước của Thày hướng dẫn hoặc người quản lý.
MỘT SỐ LƯU Ý KHÁC LIÊN QUAN ĐẾN VẤN ĐỀ HÀNH CHÍNH
1. Phí thành viên
Bắt đầu từ 26/09/2022, Câu lạc bộ Aikidō Yūki Shūdōkan có sự điều chỉnh về lệ phí tập luyện và thi lên cấp như sau: 1.1. Lệ phí tập luyện Chi tiết xem ở đường dẫn Lệ phí luyện tập 2. Về việc nộp và nhận lại thẻ thành viên
Các thành viên trước khi vào thảm tập phải nộp lại thẻ thành viên cho Ban hành chính để được đóng dấu cho mỗi buổi tham gia tập. Thẻ hết hạn sẽ được Ban hành chính thu để thống kê lại số buổi tập bạn đã tham gia.
Các thành viên phải có nghĩa vụ nhận lại thẻ đã nộp của mình sau mỗi buổi tập. Trong trường hợp các bạn không nhận lại thì thẻ của bạn coi như đã bị mất và các bạn phải làm lại thẻ với mức phí như trên. 3. Các lưu ý khác
– Các thành viên không được đến muộn sau giờ tập quá 30 phút.
Một tập thể sẽ vững mạnh khi có sự đóng góp và xây dựng của các thành viên. Ban hành chính mong rằng các bạn sẽ thực hiện tốt các điều lưu ý trên tạo điều kiện để chúng tôi có thể thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Ban Hành Chính AYS
Câu lạc bộ Aikidō Yūki Shūdōkan Nhà thể chất trường Đại học Ngoại Thương, số 91 phố Chùa Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.
Email Ban hành chính clb: bhc.ays@gmail.com Ý kiến đóng góp về Website: websiteyukishudokan@gmail.com