Online : 2
Today visitors : 192
Yesterday visitors : 254
Total visitors : 1.142.273
Visits this month : 5.660
Visits this week : 935
Post time: 08/06/2015 14:26
Tiểu sử thầy Koichi Tohei (1)
Thầy Koichi Tohei sinh năm 1920 và lớn lên trong một gia đình thuộc tầng lớp trên ở Nhật Bản, phía Bắc Tokyo. Ngày còn trẻ thầy có thể chất rất yếu đuối và được cha thầy hướng dẫn tập Judo và Thiền để tăng cường thể chất của mình. Sau đó thầy bắt đầu tập misogi và một vài môn Yoga khác của Nhật. Những sự kiện và quá trình luyện tập đó đã ảnh hưởng rất nhiều đối với cuộc sống sau này của thầy.
Năm 1939 thầy được gặp Tổ sư Ueshiba Morihei (Tổ sư) và được giới thiệu môn Aikido. Thầy rất ngạc nhiên là dù với kỹ thuật Judo điêu luyện của mình những thầy vẫn không thể đấu lại được với một người già hơn mình rất nhiều, và rất nhanh chóng thầy trở thành một học viên nghiêm túc của môn võ này. Sau đây là lời thầy Tohei kể lại cuộc diện kiến đầu tiên với Tổ sư: “Một võ sinh tên là Matsumoto tiếp tôi, nói rằng Tổ sư đi vắng. Tôi hỏi anh ta Aikido là môn võ như thế nào. Anh ta bảo tôi đưa một tay ra. Anh ta dùng một đòn bẻ bàn tay trái tôi đau điếng, nhưng tôi cứ tiếp tục nhìn thẳng vào mặt anh ta. Tôi bắt chước câu chuyện của một samurai một hôm đánh nhau với cọp, ông ta để cho cọp ngoạm một tay mình, một tay rút đoản kiếm ra giết cọp. Tôi đưa cho Matsumoto bàn tay trái của tôi để giữ cho bàn tay phải được tự do, sẵn sàng tung đòn. Thấy vậy anh ta ngừng ngay. Tôi thất vọng quá: nhìn trò thì biết thầy! Tôi sắp bỏ đi thì Tổ sư Uyeshiba bước vào. Tôi trình Tổ sư bức thư giới thiệu. Tổ sư làm một cuộc biểu diễn với một người học trò của ông. Rồi ông bảo tôi tấn công. Tôi cố tình chụp bắt ông, nhưng tôi thấy mình nằm sòng soài ra đất mà không hiểu mình bị quật ngã bằng cách nào. Tôi không thấy một chút sức lực nào tác động đến cơ thể mình. Tôi biết ngay rằng đây là môn mình thích. Tôi may mắn được ông nhận làm học trò. Sáng hôm sau, tôi nhập môn ngay, và từ đó tôi không bỏ sót một buổi tập nào” (2).
Năm 1942, thầy được gọi đi lính và đã sống một thời gian ở Trung Quốc. Trong thời gian này thầy nhận thức được tầm quan trọng của một sự tĩnh lặng trong tâm và sự hoà hợp của tâm và thân. Điều này là định hướng quan trọng cho việc luyện tập của thầy sau này. Thầy có tiếng là một sĩ quan may mắn vì chưa có người nào dưới quyền chỉ huy của thầy bị mất mạng dù là trong những trận chiến ác liệt nhất.
Sau chiến tranh thầy lại trở về với vai trò là đệ tử nội trú (uchi deshi) của Tổ sư, trở thành một trong những nhân vật mạnh mẽ và có ảnh hưởng nhất trong thế giới Aikido. Trong những ngày đấy, chuyện những người đến thách thức tại võ đường là rất phổ biến và thầy Tohei là người thường đứng ra để đấu với những người muốn đến sân tập để thách đấu với Tổ sư. Có rất nhiều người đã phải cúi đầu trong đó có một nhóm đô vật người Mỹ những người trước đó đã thách đấu ở Tổng đàn Kodokan của bộ môn Judo.
Năm 1953, thầy được Tổ sư phái tới Hawaii, trở thành người đầu tiên mang Aikido tới Hoa Kỳ. Trong vòng khoảng một thập kỷ sau đó, thầy Tohei đã tới nước Mỹ rất nhiều lần và đã đào tạo được rất nhiều thầy giáo giỏi cho nước Mỹ hôm nay. Chính ở trong giai đoạn này mà Aikido của thầy Tohei có nhiều những biến chuyển do việc tập với những người Mỹ to lớn rất khác so với việc tập luyện thông thường ở Nhật Bản. Trong giai đoạn này, việc luyện tập của thầy bắt đầu khác so với những thầy dạy khác, và điều này bạn có thể nhận thấy nếu so sánh những sách mà thầy viết vào cuối những năm 50 với những cuốn sách được viết cùng thời của Đệ nhị Đạo chủ Kisshomaru Ueshiba – cả hai cuốn đều được Tổ sư ủng hộ (chi tiết này có thể cho thấy Aikido là sự hòa hợp và nhận thức của cá nhân mỗi người. Mỗi người đến một trình độ nào đó có thể phát triển một đường lối Aikido cho riêng bản thân mình. Điều quan trọng nhất là vẫn giữ được tinh thần yêu thương và hoà hợp. Điều này giải thích vì sao mặc dù các đại đệ tử của tổ sư như Tohei, Saito, Kisshomaru,… đi những con đường rất khác nhau nhưng vẫn được Tổ sư ủng hộ).
(File ảnh Jon Takagi và thầy Koichi Tohei lấy từ nguồn http://upload.wikimedia.org/wikipedia)
Thầy Tohei đã có thời gian đảm nhiệm chức vụ trưởng giáo (sư trưởng) tại sàn tập Aikikai Hombu (tổng bộ của Aikikai) và là người duy nhất được Tổ sư cấp chứng nhận 10 đẳng với một chứng chỉ chính thức. Sau khi Tổ sư mất, Kisshomaru Ueshiba trở thành Đạo chủ Aikido đời thứ hai và thầy Tohei tiếp tục với vị trí trưởng giáo của mình.
Thầy Tohei có ý tưởng rất rõ ràng về việc luyện tập Aikido. Những ý tưởng đó dựa chủ yếu trên nguyên tắc hoà hợp được một trong những sư phụ Yoga của thầy dạy. Thầy dự định đưa phương pháp huấn luyện khí vào trong Aikikai nhưng gặp phải sự phản đối gay gắt của những tư tưởng trọng truyền thống ở đây. Vì vậy, vào năm 1971, trong khi vẫn là trưởng giáo của Aikikai, thầy Tohei thành lập tổ chức Ki no Kenkyukai (Hiệp hội về Khí), để dạy các nguyên tắc của khí và việc hoà hợp giữa tâm và thân. Sau đó thầy đã quyết định tạm dừng đảm nhiệm vị trí trưởng giáo tại Aikikai và thành lập Shin-shin Toitsu Aikido, để giảng dạy Aikido theo các nguyên tắc về Khí. Từ đó về sau, thầy Tohei vẫn tiếp tục hoàn thiện và phát triển phương pháp dạy Khí và Aikido của mình.
Thầy Tohei là một nhân vật rất đặc biệt. Theo một số tư liệu, hầu hết mọi người đều đồng ý rằng, ngoại trừ Tổ sư, kỹ thuật Aikido của thầy Tohei được coi là hoàn hảo nhất. Ngoài ra, thầy được coi là một trong những bậc thầy về Aikido giỏi nhất trên thế giới, thầy đã phát triển hầu hết các phương pháp huấn luyện mà được rất nhiều võ đường trên thế giới hiện nay đang sử dụng.
Khái niệm “Khí” (Ki) của thầy Koichi Tohei
Theo tư liệu về thầy Koichi Tohei thì thầy có nói rằng: “Con người, cũng như mọi sinh vật hay đồ vật khác, sinh ra từ cái gần như hư không, từ một chất không thể phân chia, vũ trụ từ chất ấy mà được tạo thành. Đó là ‘Khí’. Cái Khí cho ta sự sống là một phần nhỏ của cái khí của vũ trụ, cũng như nước biển mà ta vốc trong tay thuộc về đại dương vậy. Vũ trụ tuyệt đối từ nguyên thủy là một. Hai lực xuất hiện, và thế giới tương đối sinh ra. Chúng ta có xu hướng nghĩ rằng thế giới tương đối mà chúng ta thấy được, nghe được là thế giới duy nhất, ta quên đi cái thế giới tuyệt đối ở đằng sau. Lượng khí tuyệt đối trong vũ trụ vẫn thường hằng và luôn dịch chuyển. Nếu ta muốn tăng cường sức mạnh của dòng khí của ta, và sức mạnh chống trả thể chất của ta, ta phải cố gắng hòa làm một với dòng khí của vũ trụ. Để đạt đến điều đó, ta phải cố gắng hợp nhất tinh thần và thể xác.” (2).
Khi nói về các mối tương quan của “Khí”, thầy có cho rằng:
“Chúng ta thường nghĩ rằng cuộc sống con người bắt đầu khi một tế bào trứng và một tinh trùng được kết hợp với nhau. Nếu được hỏi là những thứ đó từ đâu tới thì bạn chỉ có thể trả lời rằng chúng không bao giờ ở thể trạng không cả mà chúng tồn tại ở dạng những vật thể vô cùng nhỏ bé. Tôi cho rằng vũ trụ là sự tập hợp vô cùng vô tận của hằng hà sa số những vật thể nhỏ bé li ti, và đó cũng là nguyên lý ‘Khí’ của vũ trụ.
Theo nghĩa này thì mọi thứ được sinh ra từ ‘Khí’ ở trong vũ trụ và rồi lại trở về với trạng thái khí ban đầu. Và chẳng có cái gì biến mất để về trạng thái không cả.
Điều kiện để cơ thể chúng ta trao đổi khí với vũ trụ được gọi là ‘iki-teiru’ (sống, tồn tại) trong tiếng Nhật. Chúng ta khuyếch trương Khí, vì vậy, chúng ta trao đổi Khí với vũ trụ. Chừng nào chúng ta còn sống thì sẽ là tự nhiên khi chúng ta khuếch trương khí. Mùa xuân đang đến, hãy để chúng ta hoà hợp tâm và thân theo quy luật của vũ trụ và sống một cuộc sống dương.”(1)
Các nguyên lý để rèn luyện “Khí” (2) (3)
Các nguyên lí đó là:
Vũ trụ là một trái cầu vô tận. Nơi nào ta có mặt, nơi đó là trung tâm trái cầu. Nếu trái cầu đó thu nhỏ lại, nó trở thành một điểm nơi bụng dưới. Điểm đó phải được chia hai, chia hai… thu nhỏ mãi đến vô cùng. Khi nó nhỏ đến nỗi khó mà tưởng tượng được, thì giữ điểm đó trong tâm trí của bạn.
Bằng cách ấy, bất cứ người nào ngồi trên hai gót chân (seiza), tập trung tinh thần vào điểm đó, sẽ không bao giờ bị ai xô ngã được. Thầy Tohei đã nhiều lần mời những người trong số khán giả quan sát lên xô thử: người ấy đã xô phải núi Thái Sơn!
Nguyên thủy tinh thần và thể xác là hợp nhất. Người ta không thể ngừng suy nghĩ, nhưng phải tập trung vào điểm dưới rốn (trọng tâm) và thư giãn hoàn toàn.
Khi ta bình thản, sức nặng thân thể được “dồn xuống dưới”. Thí dụ, nếu ta nghĩ sức nặng của một cánh tay được dồn xuống dưới thì không ai có thể giở cánh tay ấy lên được. Dẫu có 2 người lực lưỡng cũng không thể giở nỗi cánh tay của ta.
Phải dùng tinh thần của mình một cách tích cực. Đó là một ví dụ ai cũng biết: cánh tay không thể bị bẻ gập. Ta tưởng tượng rằng Khí của ta tuôn chảy qua các đầu ngón tay, giống như nước phun ra từ đầu vòi rồng cứu hỏa. Nhờ cách đấy, không ai có thể bẻ gập cánh tay ta được.
Thầy Tohei giảng giải rằng bốn nguyên lí này giống như bốn con đường dẫn ta lên đỉnh núi, nếu bạn không áp dụng được một trong bốn nguyên lí đó, thì thử qua nguyên lí khác. Nếu bạn hiểu được một trong bốn nguyên lí, thì bạn cũng hiểu được cả bốn. Nếu bạn mất một thì có nghĩa là bạn cũng mất cả bốn. Thầy cũng kết luận:
“Phải tập luyện hằng ngày. “Khí” sẵn có trong người mỗi chúng ta. Biết làm chủ nó và dùng nó trong đời sống hàng ngày hay không là do ta. Tôi mong mỏi truyền bá bốn nguyên lí này khắp thế giới, để làm cho trái đất này trở nên tốt đẹp hơn. Đó là con đường mà tôi đã chọn. Như một ngọn đuốc có thể thắp sáng hàng nghìn ngọn nến, tôi hi vọng thắp được một ngọn nến trong mỗi tâm hồn”.
(Ảnh minh họa: thầy Koichi Tohei lấy từ nguồn http://store.aikidojournal.com/)
PHẠM THẾ MẠNH (Sưu tầm và tổng hợp)
Tư liệu tham khảo:
(1) Theo tư liệu tại đường dẫn:
https://billyduc.wordpress.com/2008/04/27/koichi-tohei-m%E1%BB%99t-shihan-vi-d%E1%BA%A1i/
(2) Theo tư liệu bài viết của Bảo Quang, Aikido Thủ Đức, đường dẫn:
http://aikidothuduc.blogtiengviet.net/2010/10/14/koichi_tohei_baonc_thaoby_ var_kha
(3) Theo thông tin tại Trang chủ của Shin-shin Toitsu Aikido, đường dẫn:
http://shinshintoitsuaikido.org/english/about/index.html
“Aikido chính là võ đạo thực thụ, là phương tiện yêu thương của vũ trụ. Đó là người bảo vệ vạn vật, là...