· TÔI VÀ AIKIDŌ
Tôi bắt đầu luyện tập kiếm đạo – môn võ truyền thống của Nhật bản từ năm 12 tuổi. Vốn là cha tôi có trình độ sư phạm kiếm đạo, nhưng khi tôi mới năm tuổi cha tôi đã tử trận ở cuộc chiến tranh Thái Bình Dương. Không cam chịu hoàn cảnh không đuợc nhận sự dạy dỗ từ cha, tôi đã quyết tâm tu rèn bản thân. Năm 20 tuổi, tôi được xem động tác kiếm của Aikidō khi gặp gỡ sư phụ Ueshiba Morihei, người sáng lập ra Aikidō. Chính điều đó đã làm tôi cảm kích trước các động tác kiếm đạo Aikidō.
Cho đến nay, tôi đã từng thắng nhiều lần ở các cuộc thi kiếm đạo. Ngay trong câu lạc bộ kiếm đạo ở trường đại học, tôi cũng luôn đứng vào hàng thủ lĩnh nhưng tôi cảm thấy thể thao kiếm đạo dần dần tách rời với bản chất của võ đạo vì nó quá câu nệ vào sự thắng thua.
Những năm đầu thập niên 80, tôi đã từng được chứng kiến sư phụ Ueshiba, với vóc dáng nhỏ bé, có chiều cao chưa đến 1m50 mà lại có thể ném bay sang phải hay trái những người đàn ông có chiều cao cỡ 1m80 như ném một đứa trẻ con. Tôi nhận thấy trên gương mặt của ông là một nụ cười nhu hòa, ánh mắt ông ánh lên sự tinh anh, và tôi cũng cảm thấy từ con người ông tỏa ra tính tôn giáo và triết học.
Năm 22 tuổi, do sự tiến cử của hiệp hội Aikidō, tôi được chọn là đại biểu thanh niên do thủ tướng Nhật Bản cử, và tôi đã có một chuyến du hành một vòng Nam Bán Cầu bằng thuyền trong vòng 100 ngày qua 8 quốc gia của Trung Nam Mỹ, Nam Châu Phi, Châu Á. Khi đó, trước lúc xuất phát, tôi đã rất cảm động khi trực tiếp được nhận sự chỉ đạo với tư cách cá nhân từ sư phụ Ueshiba Morihei. Mãi đến bây giờ tôi vẫn không thể quên được giây phút đó.
Trong chuyến du hành này, tôi đã giới thiệu Aikidō tại võ đường nhu đạo ở Kếptao, Nam Châu Phi. Điều đó đã trở thành duyên, sau đó những người có trách nhiệm về việc đó đã được tạo điều kiện để sang Nhật học Aikidō. Đó là vào năm 1981. Tôi đã tiến hành giới thiệu Aikidō ở Pê-ru, Achentina, Braxin.
Năm 27 tuổi, tôi đi du lịch một mình đến Pháp, Đức, Đan Mạch, Anh, Mỹ, sau đó tôi ghé qua Italia và lưu lại đây một thời gian với tư cách là trợ lý Aikidō cho ông Tada Hiroshi ở Roma.
Sau đó, tôi đã đi vòng quanh thế giới đến Indonesia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nêpan, Malaysia, Philipin, Brunêy, Thái Lan, Pakixtan, Bănglađet. Trong thời gian này tôi vẫn không quên luyện tập Aikidō như thường lệ, và giới thiệu Aikidō với tư cách là văn hóa của Nhật Bản.
Với Việt Nam, lần đầu tiên tôi được đặt chân đến đất nước này là vào đầu năm 1991, và trong 10 năm nay, tôi đã đến thăm Việt nam tất cả là 26 lần. Trong thời gian này, tôi đã luyện tập cùng với những người yêu thích Aikidō ở thành phố Hồ Chí Minh. Dựa trên chủ trương của chính phủ hai nước, và từ đề nghị của Đại sứ Nhật Bản Suzuki tại Việt Nam, tôi đã tổ chức một ngày hội biểu diễn Aikidō.
Nếu tôi nhớ lại tất cả, có thể nói, chuyến đi du lịch vòng quanh thế giới của tôi, thông qua Aikidō là một chuyến du hành giúp thắt chặt tình hữu hảo giữa con người với con người ở nhiều nước khác nhau.
Aikidō không đơn giản chỉ là kĩ thuật thi đấu, mà tôi nghĩ nó còn là tinh thần tu dưỡng bản thân và nâng cao vai trò của mình với hòa bình của thế giới.
Lần này, tại dự án hợp tác do chính phủ hai nước tiến hành, với tư cách là giám đốc đầu tiên của Trung tâm Hợp tác Nguồn Nhân lực Việt Nam – Nhật Bản, tôi được bổ nhiệm làm việc tại Việt Nam 2 năm từ tháng 10 năm 2000.
Cho đến bây giờ, việc cống hiến cho sự nghiệp đào tạo nhân tài của Việt Nam và giao lưu hữu nghị trong 10 năm qua đối với tôi là một cơ hội mà trước đây có mơ ước cũng không thể thực hiện được. Tôi mong muốn rằng mình sẽ hoạt động một cách có hiệu quả trong 2 năm này với tư cách là sợi dây kết nối sự phát triển và hòa bình của Tổ quốc mình.
Với tư cách là một hoạt động giao lưu văn hóa của Trung Tâm Hợp tác Nguồn Nhân lực Việt Nam – Nhật Bản, lần này tôi đã mở một võ đường để dạy Aikidō. Trong quá trình dạy Aikidō cho các bạn trẻ Việt Nam, sự trẻ trung khỏe khoắn của các bạn thanh niên Việt Nam đã ảnh hưởng rất lớn đến tôi, và tôi rất lấy làm hạnh phúc về điều đó.
Aikidō là người bạn đường trong nhân sinh quan của tôi. Và được sự chỉ bảo trên còn đường này, tôi cảm thấy luôn mang trong lòng sự cảm tạ sâu sắc đối với vị tiền bối – tổ sư Ueshiba, và các bạn đồng học.
· VỀ KHÍ – NGUYÊN KHÍ, DŨNG KHÍ, HIỆP KHÍ (GENKI, YŪKI, AIKI – 元気、勇気、合気)
Khí là thành phần chủ yếu thống trị vũ trụ này. Nó là nguồn năng lượng không thể phân tích nhỏ hơn được nữa. Theo chữ Hán của Trung Quốc, chữ “khí” biểu hiện trạng thái hơi nước bốc lên từ nồi cơm đang được nấu (cơm được nấu từ gạo, mà gạo là một nguồn thực vật có nhiều năng lượng). Khí bị tổn thương gọi là “khí bệnh”. Những điều tốt lành vui vẻ được gọi là “dương khí”, còn những điều phiền muộn gọi là “âm khí”.
Khoa học hiện đại dùng các thí nghiệm mang tính lượng hoá như phân tích quan hệ với từ tính hay quan hệ với tia hồng ngoại để tìm hiểu về khí. Tuy nhiên, khoa học là “phân tích”, còn “khí” lại không phải là đối tượng để có thể phân tích. Vì vậy, phương pháp cảm nhận “khí” bằng chính cơ thể mình thông qua các môn võ như Aikidō được coi là một phương pháp tối ưu.
Tuy “Khí” là một thứ khó có thể lí giải được bằng các lí lẽ thông thường nhưng từ xa xưa, con người đã dùng rất nhiều từ ngữ để diễn tả khí bằng cảm nhận của mình.
Nguyên khí, Dũng khí, Hiệp khí
Nguyên khí chính là nguồn gốc năng lượng của sinh mệnh con người, giống như trong bài thơ “Nguyên khí”. Người Nhật Bản sử dụng từ Nguyên khí với nghĩa là “khoẻ mạnh”, và người ta thường chào hỏi nhau bằng câu “Bạn có khoẻ không?”. Cách nói “Gương mặt và giọng nói “khoẻ khoắn” của bọn trẻ” thể hiện hình ảnh những sinh linh nhỏ nhoi đang dần lớn lên với năng lượng và sức sống mới tràn đầy.
Dũng khí không có nghĩa là sự can đảm dạng như dám nhảy từ trên lầu cao xuống một cách vô nghĩa. Dũng khí phải có sức mạnh của những hành động chính đáng theo tiếng nói của lương tâm, trái tim mình.
Hiệp khí là nguồn năng lượng điều hoà với khí có nguồn gốc của vũ trụ theo quy luật của tự nhiên. Sư tổ của Aikidō, Ueshiba Morihei đã dạy rằng “Lấy tinh thần của vũ trụ làm tinh thần của chúng ta”. Câu này hàm ý về ý chí vượt qua được sự nhỏ nhoi ích kỉ của bản thân để đồng hoá với sự tiến hoá của vũ trụ bao la.
· TINH THẦN VỚI CƠ THỂ
Con người là một tổng thể gồm một cơ thể có thể nhìn thấy được bằng mắt thường và một tinh thần khó nhận định được bằng mắt.
Chỉ cần cơ thể bị thương một chút thôi, tinh thần cũng vẫn có thể cảm nhận được. Mặt khác, khi có sự lo lắng hay phiền muộn thì sắc mặt cũng sẽ trở nên u ám không được tươi tỉnh. Như người ta thường nói rằng người đang yêu trông sẽ xinh đẹp hơn, khi có chuyện vui thì sự lưu thông tuần hoàn máu cũng sẽ tốt hơn, do đó cơ thể, sắc mặt cũng sẽ trở nên hồng hào, tươi tắn.
Như vậy, tinh thần và cơ thể có một mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau. Vốn dĩ tinh thần và cơ thể là một tổng thể thống nhất. Khác với triết học Phương Tây chia tinh thần và cơ thể làm hai phần riêng biệt, triết học Phương Đông coi “tâm thân như nhất”, tức tinh thần với cơ thể là một.
Ở Aikidō, từ thuyết “tinh thần có thể làm xoay chuyển cơ thể”, nếu làm lay động được tinh thần của đối thủ thì cơ thể của đối thủ cũng sẽ chịu ảnh hưởng. Do đó luôn cần phải giữ một tinh thần “bình thường”, tức là một tinh thần không bị dao động một cách dễ dàng bởi các sự vật hiện tượng bên ngoài.
Vì không thể thấy được bằng mắt thường nên không thể kiểm tra xem tinh thần có được an tịnh hay không. Vì thế, với thuyết “tâm thân như nhất”, từ việc kiểm tra sự an tịnh của cơ thể mà có thể kiểm tra được sự an tịnh của tinh thần.
Con đường Võ đạo hình thành từ một hình dạng cụ thể cũng là do nguyên nhân như trên. Và người ta diễn tả một hình dáng an định bằng từ “quyết định”.
Cơ thể của chúng ta luôn phải tuân theo các điều kiện sinh tồn của tự nhiên, có nghĩa là nếu như chúng ta không ăn, ngủ, hít thở một cách điều độ thì sự sinh tồn của chúng ta sẽ không bảo đảm được. Mặt khác, nếu chúng ta chăm chỉ luyện tập một cách đều đặn thì cơ thể của chúng ta sẽ ngày càng trở nên khoẻ mạnh, cường tráng hơn. Còn ngược lại, nếu chúng ta không chịu khó vận động cơ bắp thì cơ thể của chúng ta sẽ ngày càng bị yếu đi. Tuy việc đi bộ được coi là một việc tương đối đương nhiên, nhưng có rất nhiều người chỉ cần ốm nằm liệt một tuần thôi là sau đó cho dù muốn cũng không đi bộ ngay được.
Nếu tinh thần của chúng ta luôn ở trạng thái vui vẻ sảng khoái thì cuộc sống của chúng ta cũng sẽ trở nên tươi đẹp hơn với thật nhiều cơ hội tốt đẹp đang chờ đón. Còn ngược lại, nếu tinh thần của chúng ta luôn buồn phiền u ám thì ta cũng sẽ cảm thấy xung quanh u tối đi và những ước mơ, hi vọng cũng sẽ trở nên khó thực hiện được. Đặc biệt, ba điều được coi là có hại cho tinh thần là giận dữ, buồn phiền và sợ hãi sẽ làm cho màu máu đục lại và có thể gây nhiều nguy hiểm đến cả tính mạng.
Những câu thành ngữ như “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”, “Phúc sẽ đến với những nhà nào tràn ngập tiếng cười” đều nói lên điều này. Vì vậy, với mục đích của việc luyện tập Aikidō là hướng tới sự hoàn thiện bản thân, việc tập luyện một cách vui vẻ sảng khoái được xem là điều cốt yếu.
—-Katsumi Horizoe Shihan—-
Trích từ “Chương trình giao lưu văn hoá – Phần A: Aikidō” của Trung tâm hợp tác nguồn nhân lực Việt Nam – Nhật Bản
NXB Thể dục thể thao, năm 2001