Hakama: ý nghĩa văn hóa và những triết lý bên trong
Post time: 30/07/2015 14:17
Hakama là gì?
Hakama là loại quần ống rộng đặc biệt, thường thì chỉ các võ sinh đạt đai đen mới mặc. Nó là một phần của trang phục võ sĩ đạo truyền thống, song ở một số đạo đường, mọi người đều mặc nó, nhất là phụ nữ bởi bản tính e lệ kín đáo của họ. Ngày nay hakama được dùng như đồng phục trong Kendo (kiếm đạo) và Kyudo (bắn cung).
Lịch sử thiết kế của Hakama
Khởi thủy, hakama được thiết kế dùng để bảo vệ chân của các kị sỹ khỏi các nhánh cây, bụi rậm… gần giống như kiểu quần da của các chàng cao bồi Viễn Tây. Do chất liệu da thuộc khá hiếm ở Nhật Bản nên các loại vải dày và nặng được dùng thay thế. Sau khi tầng lớp samurai (võ sĩ đạo) không còn cưỡi ngựa và trở thành bộ binh, họ vẫn khăng khăng giữ lại trang phục kị sỹ này như một đặc trưng không thể thiếu của tầng lớp mình.
Có nhiều kiểu hakama khác nhau. Loại mà các võ sĩ mặc ngày nay - với “ống quần” rộng - gọi là joba hakama. Trước kia hakama giống như một loại váy ống – không có hai chân. Nó được mặc trong các cuộc tham kiến/ viếng thăm tướng quân (Shogun) hay hoàng đế (Emperor). Chiếc “váy” lúc đó được xếp li (gấp nếp) phía trước giữa hai chân và phía sau người mặc. Nó bắt buộc người mặc phải sử dụng tư thế shikko (“di chuyển trong tư thế quỳ gối”) và với nó, người ta khó có thể che dấu vũ khí hay chồm dậy tấn công một cách nhanh chóng.
7 nếp gấp của một chiếc hakama (5 ở phía trước và 2 phía sau) được xem là có các ý nghĩa biểu tượng như sau:
1. Yuuki = lòng can đảm, sự gan dạ (nhất là trong chiến trận)
2. Jin = lòng nhân đạo, sự khoan dung, rộng lượng
3. Gi = sự công bằng, tính ngay thẳng, chính trực
4. Rei = phép xã giao, lịch sự, sự nhã nhặn, mực thước (còn đồng nghĩa với việc chào cúi đầu/rạp mình)
5. Makoto = sự ngay thật, tính chân thành, lương thiện
6. Chugi = lòng trung thành, sự tận tâm tận lực, sự hiến dâng
7. Meiyo = danh dự, uy tín, cũng như uy thế, phẩm giá, lòng tự trọng
(7 ý nghĩa này hơi khác so với lời dạy của Tổ sư, xin đọc tiếp phần dưới)
Hakama và Aikidō
Tổ sư đã từng có lần nhấn mạnh rằng MỌI NGƯỜI đều nên mặc hakama, song vào thời kỳ của Tổ sư việc phổ biến hakama như một “đồng phục” là không quá khó.
“Hầu hết võ sinh đều không đủ tiền để may hakama nhưng đều được yêu cầu phải mặc nó. Nếu họ không được truyền lại từ các đồng môn cao cấp hơn, họ phải dùng những tấm vải thô cũ, cắt và nhuộm chúng rồi nhờ thợ may “chế tác” thành hakama. Tuy nhiên, bởi họ buộc phải dùng các loại thuốc nhuộm rẻ tiền nên chỉ sau một thời gian ngắn các mảng màu đã bắt đầu phai đi và các sợi vải bắt đầu lộ ra ngoài.” – theo lời thầy Saito nói về việc mặc hakama trong đạo đường của Tổ sư trước kia.
“Vào thời hậu chiến ở Nhật Bản mọi thứ đều hiếm hoi, kể cả vải vóc, bởi vậy chúng tôi đã luyện tập mà không có hakama. Chúng tôi đã cố gắng làm hakama từ những tấm màn cửa màu đen (dùng để phòng máy bay oanh tạc) song do chúng đã bị phơi nắng trong nhiều năm, các đầu gối đã mục ra ngay khi chúng tôi thực hành suwari waza (kỹ thuật đánh dòn trong khi di chuyển bằng đầu gối). Chúng tôi liên tục phải đắp vá những chiếc hakama này. Trong hoàn cảnh đó có người bỗng nảy ra sáng kiến “Sao chúng ta không đơn giản chỉ mặc hakama sau khi đã đạt đến nhất đẳng (shodan)?” Ý kiến đó đã được chấp nhận như một “chính sách” tạm thời để giảm thiểu chi phí. Điều này không hề mang ý nghĩa xem hakama tượng trưng cho trình độ đẳng (đai đen).” – theo lời thầy Shigenobu Okumura, trích trong Tạp chí “Aikido ngày nay” số 41.
“Khi tôi còn là học trò thân tín (uchi deshi) của Tổ sư, mọi người đều được yêu cầu phải mặc hakama ngay từ buổi tập đầu tiên. Lúc đó chưa có một quy định nào về loại hakama được mặc nên phòng tập trở thành một nơi khá là …sặc sỡ. Bạn có thể thấy hakama ở đó với tất cả các kiểu dáng, màu sắc và chất lượng, từ hakama của Kiếm đạo, đến hakama có sọc vằn dùng trong nghệ thuật múa, đến loại làm bằng lụa tơ tằm đắt tiền gọi là sendai-hira. Tôi đã tưởng rằng một số võ sinh mới bị quỷ ám khi chúng dám mượn hakama của ông nội chúng, vốn chỉ để dành cho những dịp lễ tết đặc biệt, và rồi mài thủng đầu gối trong các bài tập suwari waza.
Tôi vẫn nhớ như in cái ngày tôi bỏ quên hakama ở nhà. Lúc đó tôi đang chuẩn bị bước lên thảm tập, mang mỗi cái đai (dogi), thì bị Tổ sư chặn lại. “Hakama của ngươi đâu?” Người hỏi một cách nghiêm nghị. “Cái gì làm ngươi nghĩ mình có thể được ta truyền dạy võ thuật trong khi mặc mỗi quần áo lót? Ngươi không biết phép tắc là gì sao? Rõ ràng là ngươi thiếu cái tư thế mực thước của người học võ đạo. Quỳ vào góc và quan sát cả lớp!”
Đó chỉ là lần đầu tiên trong số rất nhiều lần tôi bị Tổ sư quở trách. Tuy nhiên, sau sự chểnh mảng của tôi lần ấy Người đã phải giảng giải cho các học trò “ruột” sau giờ tập về ý nghĩa của hakama. Người kể rằng hakama là trang phục truyền thống của các phái cổ võ thuật (kobudo) và hỏi chúng tôi có ai biết về nguồn gốc 7 nếp gấp của hakama hay không. “Chúng tượng trưng cho 7 đức tính của võ đạo”- Người nói -“Đó là jin (nhân từ), gi (chính trực), rei (mực thước), chi (khôn ngoan), shin (chân thật), chu (trung thành), và koh (yêu tổ quốc). Chúng ta thường thấy những đức tính này ở tầng lớp samurai đáng kính ngày xưa. Hakama nhắc nhở chúng ta về phẩm chất của người võ sĩ đạo (bushido) chân chính. Chúng ta đang mang trên mình biểu tượng truyền thống thiêng liêng được truyền từ đời này sang đời khác. Aikido được sinh ra từ tinh thần võ sĩ đạo Nhật Bản, vì thế trong các buổi tập chúng ta phải giữ gìn và phát huy 7 phẩm chất cao quý ấy.”

Ngày nay, hầu hết các đạo đường Aikido đều không còn làm theo quy định nghiêm khắc của Tổ sư về việc mặc hakama. Ý nghĩa của nó đã bị hạ thấp từ một biểu tượng của phẩm chất truyền thống xuống làm tượng trưng cho các yudansha (võ sinh trình độ đẳng). Tôi đã đến rất nhiều đạo đường ở nhiều nước. Ở những nơi mà chỉ yudansha mặc hakama, những võ sinh này đã mất đi sự khiêm nhường của mình. Họ xem hakama là thứ để trưng bày, là biểu tượng cho sức mạnh của họ. Cách suy nghĩ này làm cho nghi lễ cúi chào Tổ sư, mà chúng ta thực hiện mỗi khi bắt đầu và kết thúc buổi tập, như một lời nhạo báng lịch sử và môn võ của Người.
Thậm chí còn tệ hơn, tại một số đạo đường, phụ nữ ở trình độ cấp (kyu rank) (và chỉ phụ nữ thôi) được yêu cầu mặc hakama như một cách bảo vệ sự kín đáo. Với tôi nó như một sự lăng mạ và phân biệt đối xử đối với các Aikidoka là nữ giới. Nó cũng sỉ nhục cả nam giới, bởi nó thừa nhận những suy nghĩ tầm thường hèn kém của họ, vốn không hề hiện diện trên thảm tập.
Chứng kiến những cung cách sử dụng hakama ấy làm tôi thấy buồn. Đó có thể chỉ là một phần rất nhỏ Aikidoka, song tôi vẫn nhớ Tổ sư đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mặc hakama đến thế nào. Tôi không bao giờ quên ý nghĩa của trang phục này, và tôi tin rằng không ai có thể phủ nhận những giá trị tinh thần cao quý mà nó là biểu tượng. Trong đạo đường của tôi cũng như các nhánh phái mà nó kết giao, tôi khuyến khích tất cả võ sinh đều mặc hakama bất kể đẳng cấp. (Tôi không yêu cầu nó trước khi họ hoàn thành cấp đầu tiên, bởi vì những võ sinh mới ở Mỹ nói chung không có ông nội người Nhật để mà mượn hakama). Tôi tin rằng mặc hakama và hiểu thấu ý nghĩa của nó giúp võ sinh hướng về và duy trì được tinh thần của Tổ sư.
Nếu chúng ta để cho tầm quan trọng của hakama mất đi, có thể chúng ta cũng sẽ lãng quên cả những nền tảng tinh thần cơ bản của Aikido. Mặt khác, nếu chúng ta trung thành với ước nguyện của Tổ sư về trang phục luyện tập, linh hồn chúng ta sẽ đến gần hơn với giấc mơ mà vì nó Người đã hiến dâng cả cuộc đời.” – HLV Mitsugi Saotome, trích “Các nguyên lý Aikido”.
Phạm Thế Mạnh – sưu tầm từ internet
Nguồn: Website Aikido Hà Nội.